|
Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Ảnh: TTXVN)
|
1. Lần đầu tiên, nhiệm vụ đối ngoại được nêu như một thành tố của Chủ đề của Đại hội
Chủ đề của Đại hội XI, đồng thời cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị là: "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Chủ đề Đại hội và tiêu đề Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng là: "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
Như vậy, bên cạnh 4 thành tố của chủ đề Đại hội XI là: sự lãnh đạo của Đảng; dân tộc, dân chủ; đổi mới; mục tiêu xây dựng đất nước, chủ đề Đại hội XII bổ sung thêm thành tố thứ năm: “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định”. Thành tố này là hai nhiệm vụ quan trọng nhất của đối ngoại.
Chủ đề Đại hội bao hàm những nhiệm vụ trọng yếu trong nhiệm kỳ Đại hội. Việc bổ sung các nhiệm vụ đối ngoại vào chủ đề Đại hội khẳng định tầm quan trọng của đối ngoại trong tổng thể đường lối phát triển và bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong năm năm tới và các năm tiếp theo.
2. Công tác đối ngoại nhiệm kỳ trước được đánh giá sâu hơn
Khác với Văn kiện Đại hội XI và các đại hội trước, nội dung này được nêu rất khái quát trong phần đánh giá chung trên tất cả các mặt, Văn kiện Đại hội lần này nêu rõ thành tựu, nguyên nhân và hạn chế của quá trình triển khai đường lối Đại hội XI. Về thành tựu, Văn kiện khẳng định, công tác đối ngoại năm năm qua đã thu được những kết quả quan trọng. Nổi bật là 5 thành tựu gồm: Thứ nhất, "Môi trường hoà bình thuận lợi cho phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững”. Thứ hai, “Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố". Trong thành tựu này, Văn kiện nhấn mạnh việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng. Thứ ba, "Hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường nguồn lực cho phát triển, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Thứ tư, “Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước”. Và thứ năm, “Đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân được triển khai đồng bộ, có bước phát triển mới”.
Về nguyên nhân, Văn kiện cũng chỉ rõ nguyên nhân quan trọng nhất của các thành tựu đối ngoại trong năm năm qua là: “Đảng, nhà nước đã có định hướng chỉ đạo và các chính sách đúng đắn, kịp thời trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc” và “sự nhận thức đúng về xu thế của thời đại và cục diện thế giới, khu vực”. Văn kiện nhấn mạnh: “Nhiều chủ trương xử lý các vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề Biển Đông, đã đạt được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế ủng hộ”.
Về hạn chế, Văn kiện chỉ rõ bốn điểm: Thứ nhất, “Chưa có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế”. Thứ hai, “Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực”. Thứ ba, “Sự phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các địa phương còn thiếu chặt chẽ”. Và thứ tư, “Công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình còn hạn chế”.
3. Mục tiêu đối ngoại được được đề cập rõ hơn và ở mức cao nhất
Mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc” được nêu lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội XI. Văn kiện Đại hội XII làm rõ hơn và phát triển thành “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”. Qua đó, Đảng ta khẳng định: Thứ nhất, lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là đồng nhất; thứ hai, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, không phải là những lợi ích dân tộc vị kỷ, hẹp hòi; thứ ba, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc phải là nguyên tắc tối cao của mọi hoạt động đối ngoại; thứ tư, mục tiêu của mọi hoạt động đối ngoại là phải bảo đảm một cách tối cao lợi ích quốc gia - dân tộc.
4. Phương châm chỉ đạo các hoạt động đối ngoại được nêu rõ hơn
Trước khi nói về nhiệm vụ đối ngoại, Văn kiện Đại hội lần này chỉ rõ: “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân…”. Ở tầm văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, lần đầu tiên phương châm này được nêu ra. Qua đó, Đảng ta khẳng định, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ đối ngoại, phải thấy rõ tính chất hai mặt trong quan hệ với mọi đối tác, trong xử lý mọi sự việc nảy sinh để không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội hợp tác nào nhưng cũng không lơ là mất cảnh giác.
5. Quan điểm chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nêu cụ thể hơn
Văn kiện nêu: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa là những nội hàm cốt lõi của lợi ích quốc gia – dân tộc. Nêu rõ các quan điểm chỉ đạo này trong Văn kiện, Đảng ta khẳng định mạnh mẽ hơn quyết tâm bảo vệ đến cùng các lợi ích đó, đồng thời chỉ ra phương cách đấu tranh là kiên trì với nghĩa là không nóng vội, không manh động, phải tận dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, tận dụng mọi kênh, mọi phương thức có thể. Tuy nhiên, trong khi kiên trì các biện pháp, phương cách đó, chúng ta không loại trừ bất kỳ biện pháp, phương cách nào để kiên quyết bảo vệ đến cùng các lợi ích mang tính sống còn này.
6. Các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn đối với quá trình hội nhập quốc tế được nêu rõ
Phát triển định hướng hội nhập quốc tế được nêu trong Văn kiện Đại hội XI, Văn kiện Đại hội XII nêu rõ những quan điểm chỉ đạo cụ thể gồm: Thứ nhất, phải bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị; thứ hai, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước; thứ ba, hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế; thứ tư, hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu, bất lợi. Văn kiện cũng nêu nõ những định hướng lớn đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội và các lĩnh vực khác. Theo đó, trong năm năm tới, hội nhập kinh tế quốc tế tập trung vào quá trình triển khai các cam kết đã ký kết; hội nhập trong lĩnh vực chính trị tập trung vào việc đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác chiến lược và các nước lớn, có vai trò quan trọng đối với an ninh và phát triển của đất nước, đưa khuôn khổ đã xác lập đi vào thực chất; hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập chung và các hoạt động khác.
7. Công tác đối ngoại đa phương được nhấn mạnh
Văn kiện lần này chỉ rõ định hướng về công tác đối ngoại đa phương là: “Chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”; “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”. Định hướng này đặt ra yêu cầu mới: công tác đối ngoại đa phương không chỉ phải chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”, nhất là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc và luật lệ mới, mà còn phải phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương. Xuất phát từ lợi ích quốc gia - dân tộc, phát huy vai trò tức là phải nâng cao được vị thế, vai trò và tận dụng hiệu quả vị thế, vai trò tại các cơ chế đa phương để bảo đảm các lợi ích phát triển và an ninh của đất nước. Định hướng này cũng chỉ rõ các cơ chế đa phương được ưu tiên trong năm năm tới là ASEAN và Liên hợp quốc.
8. Công tác đối ngoại nhân dân được tiếp cận theo phương cách mới
Văn kiện Đại hội XII chuyển thuật ngữ “ngoại giao nhân dân” thành “đối ngoại nhân dân”. Phù hợp với các định hướng về hội nhập quốc tế và thực tiễn công tác đối ngoại trong bối cảnh mới, các hoạt động đối ngoại nhân dân đã và đang ngày càng được mở rộng, chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động đối ngoại chung. Đối ngoại nhân dân bao hàm tất cả các hoạt động đối ngoại của các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể. Cách tiếp cận này cũng đề cao vai trò của đối ngoại nhân dân trong tổng thể các hoạt động đối ngoại của đất nước.
Với những điểm mới nêu trên, Đại hội XII đã phát triển thêm một bước trong đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới của Đảng ta. Đường lối đó bao gồm các nội dung cốt lõi sau: Thứ nhất: mục tiêu đối ngoại là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc; thứ hai: nhiệm vụ của công tác đối ngoại là phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế; thứ ba: đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thứ tư: nguyên tắc tiến hành các hoạt động đối ngoại là vì lợi ích quốc gia - dân tộc; phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; thứ năm: các định hướng lớn để triển khai thành công các nhiệm vụ đối ngoại trong năm năm tới bao gồm: Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu; chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; kiên quyết bảo vệ an ninh Tổ quốc; ưu tiên quan hệ đối với các nước láng giềng, các nước lớn, cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh; triển khai mạnh mẽ chiến lược hội nhập quốc tế; tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại, tăng cường phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh./.
Đặng Đình QuýThứ trưởng Bộ Ngoại giao
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét