|
Một chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản (Ảnh: cinet) |
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nền ngoại giao hiện đại Việt Nam, đã kế thừa xuất sắc truyền thống và đưa Ngoại giao Việt Nam nói chung và Ngoại giao văn hóa của Việt Nam nói riêng lên một tầm cao mới. Với phong cách vừa của một hiền triết phương Đông, vừa là một nhà hoạt động quốc tế lịch lãm và sự tụ hội các tinh hoa của một nhà tư tưởng, một chiến lược gia, một nhà quân sự xuất chúng, một nhà ngoại giao tài ba và một nhà văn hóa lỗi lạc trong con người mình, Bác Hồ của chúng ta đã lãnh đạo và trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm giới thiệu một nước Việt Nam có lịch sử lâu đời vừa tự giải phóng khỏi chế độ thuộc địa và phong kiến, hướng đến chế độ dân chủ và muốn làm bạn với nhân dân các nước nhưng đang bị bao vây, chia cắt và xâm lược bởi những kẻ thù hùng mạnh nhất của thời đại.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa đó đã thành công trong việc khẳng định với nhân dân thế giới sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, tranh thủ được sự đồng tình của nhân dân thế giới, góp phần hình thành một mặt trận rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới các lực lượng đoàn kết và ủng hộ công cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của Việt Nam. Thông qua các hoạt động ngoại giao đó, chúng ta cũng đã tiếp thu được nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc trên thế giới.
Thế hệ ngoại giao hiện nay thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao văn hóa, tiếp tục phát huy các di sản vô giá của Người trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa. Với nhận thức truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc là chỗ dựa và thế mạnh của ngoại giao và ngoại giao là văn hóa, chúng ta đã tiến lên một bước về lý luận với việc xác định Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của Ngoại giao Việt Nam, cùng với Ngoại giao chính trị và Ngoại giao kinh tế.
Hội nghị Ngoại giao 25 (tháng 11/2006) đã chính thức xác nhận điều đó và văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng đã chính thức khẳng định phương thức triển khai đường lối đối ngoại của nước ta là: “Kết hợp chặt chẽ đối ngoại của Đảng với ngoại giao của Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa”. Bước phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn này của chúng ta về nền Ngoại giao hiện đại Việt Nam là bước tiến phù hợp với nhận thức và trào lưu chung trên thế giới về một nền ngoại giao toàn diện hiện đại, trong đó Ngoại giao văn hóa (NGVH) có vai trò và vị trí ngày càng quan trọng đối với việc làm gia tăng ảnh hưởng của một quốc gia, nâng cao vị thế của quốc gia đó trên trường quốc tế thông qua sức mạnh mềm của mình.
Sự xác nhận chính thức về vai trò và vị trí của NGVH trong nền ngoại giao Việt Nam và trong việc triển khai đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta đã tạo điều kiện cho việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân văn và các giá trị văn hóa của dân tộc cũng như tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình chúng ta chủ động và tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Nhằm từng bước hoàn thiện về thể chế, cơ sở pháp lý và đẩy mạnh triển khai trên thực tế các hoạt động của NGVH, Ban Bí thư đã thông qua Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài” (tháng 9/2009); Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 và Quy chế tổ chức Ngày Việt Nam ở nước ngoài (tháng 2/2011), Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường tham gia của Việt Nam vào UNESCO giai đoạn 2013-2018” (tháng 1/2013); Bộ Ngoại giao ban hành Thông tư hướng dẫn sử dụng biểu tượng quốc gia và nghi lễ Nhà nước trong việc tổ chức một số hoạt động đối ngoại tại Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở nước ngoài (năm 2010), Kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao triển khai Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 (tháng 4/2013)… Cùng với đó, nhiều điều ước và thoả thuận quốc tế đã được ký kết, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các chương trình lớn cũng như hoạt động NGVH cụ thể nhằm xúc tiến, làm sâu sắc sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ về mọi mặt, mang lại hiệu quả to lớn cho các nỗ lực làm bạn, đối tác tin cậy với các nước và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế của Việt Nam.
Song song với việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và các biện pháp chính sách về NGVH, việc xây dựng bộ máy, cơ chế thống nhất vận hành NGVH cũng được chú ý. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, trực tiếp là đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh thường xuyên quan tâm đến công tác NGVH. Ban Chỉ đạo NGVH của Bộ Ngoại giao được thành lập và hoạt động tích cực từ năm 2009. Trong giai đoạn 2011-2015, công tác cập nhật và trao đổi thông tin giữa các thành viên Ban Chỉ đạo được củng cố, giúp đưa ra các định hướng triển khai công tác NGVH phù hợp với từng thời điểm. Cơ chế phối hợp giữa Bộ Ngoại giao với các bộ, ngành, địa phương để triển khai NGVH được hình thành và mang lại nhiều kết quả tích cực.
NGVH được gắn kết mạnh mẽ hơn với Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho Ngoại giao Việt Nam.
Nội hàm ngoại giao văn hóa đã trở thành một thành tố ngày càng được quan tâm trong các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, trong các đề án chính trị của các hoạt động trao đổi đoàn các cấp và trong chương trình làm việc của các cơ chế hợp tác song phương như: Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ, Tham khảo Chính trị, Giao lưu giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam với Bộ Ngoại giao các nước... NGVH cũng là một thành tố không thể thiếu của các đề án xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện hoặc kế hoạch phát triển quan hệ với các nước.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là một đối tượng được chú trọng hướng tới của công tác NGVH. Các hoạt động NGVH đã và đang đắc lực phục vụ hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, gắn kết bà con với nhau và hướng về quê hương, dân tộc, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa chính đáng của đồng bào ở xa Tổ quốc, vừa hỗ trợ bà con giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc thông qua nguồn nuôi dưỡng văn hóa từ cội nguồn và phát huy các phẩm chất và giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ở sở tại.
Thời gian qua, chúng ta đã triển khai thực hiện Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất ở nước ngoài” đưa lại nhiều kết quả đáng kể. Việc tiến hành các hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã và đang thực sự là sự triển khai đồng bộ các hoạt động ngoại giao toàn diện chính trị, kinh tế và văn hóa cùng với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài với sự tham gia của các lực lượng ngoại giao Đảng, Nhà nước và nhân dân và với sự phối hợp chặt chẽ giữa trong nước với ngoài nước. Thông qua tôn vinh danh hiệu kép “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất” mà UNESCO công nhận đối với những vĩ nhân đã để lại “dấu ấn trong tiến trình phát triển của nhân loại”, và gắn các hoạt động tôn vinh Bác với các việc triển khai mạnh mẽ các nội dung của công tác ngoại giao văn hóa chúng ta đã (i) góp phần lưu giữ và bảo vệ những dấu tích của Bác ở nước ngoài; (ii) tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa, lịch sử, truyền thống và con người Việt Nam ra thế giới thông qua hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (iii) góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và các nước; (iv) đề cao và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nâng cao lòng tự hào dân tộc; (v) Góp phần gắn kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng bà con về quê hương, Tổ quốc.
Góp phần nâng cao chất lượng Ngoại giao đa phương trên các diễn đàn văn hóa
Đóng góp của NGVH vào ngoại giao đa phương ngày càng được thể hiện rõ thông qua việc điều phối các hoạt động ngày càng chủ động và tích cực của Việt Nam trên các tổ chức, diễn đàn đa phương nói chung như Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Diễn đàn Đông Á-Mỹ Latinh FEALAC, Tổ chức Pháp ngữ.... và các tổ chức, diễn đàn về văn hóa nói riêng như UNESCO, Liên minh các nền văn minh...
Vai trò của Việt Nam ở các diễn đàn này không chỉ dừng lại ở sự tham dự và hoàn thành “tròn vai” mà còn là những đóng góp thực chất về mặt ý tưởng, kinh nghiệm thông qua việc đưa ra các sáng kiến, xây dựng, điều chỉnh các “luật chơi”, đóng góp vào các Công ước, dự thảo văn kiện quan trọng…, được các nước ủng hộ và đánh giá cao. Cụ thể: Trong ASEAN, Việt Nam đã tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng và hình thành Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN bằng việc học hỏi kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu; trong FEALAC, ta đã đưa ra sáng kiến thành lập “Mạng lưới các thành phố văn hóa của FEALAC”... Đặc biệt, tại diễn đàn UNESCO - tổ chức văn hóa lớn nhất hành tinh - NGVH đã và đang phát huy vai trò của mình trong trong sự phối hợp chặt chẽ với các trụ cột ngoại giao khác trong khuôn khổ UNESCO, không chỉ trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và thông tin mà còn các vấn đề liên quan đến dân chủ nhân quyền, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn Việt Nam đang đảm đương trọng trách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới (2013-2017) và thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019). Nổi bật là việc Việt Nam đã sử dụng vị trí thành viên Ủy ban Di sản thế giới để góp phần tích cực giải tỏa căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xung quanh hồ sơ của Nhật Bản trình UNESCO năm 2015 và hỗ trợ một số quốc gia như Australia, Singapore, Thái Lan trong các vấn đề bảo vệ di sản thế giới, nâng cao vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước.
Công tác NGVH đã trở thành một hoạt động thường xuyên, được chú trọng của hầu hết tất cả các cơ quan đại diện (CQĐD)
NGVH ở nước ngoài luôn được các CQĐD ta ở nước ngoài coi là một trọng tâm công tác. Các CQĐD chủ động và tích cực tiến hành hàng loạt hoạt động có phong phú, hình thức đa dạng góp phần làm thế giới hiểu rõ, tôn trọng và yêu mến hơn đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nổi bật trong các hoạt động văn hóa ở nước ngoài là các sự kiện Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan và CQĐD của ta tổ chức. Nhiều chương trình đã đi vào tâm trí của người dân sở tại, trở thành thương hiệu, được người dân sở tại hưởng ứng và tham gia tích cực như Những ngày Việt Nam tại Nhật Bản và Tuần Việt Nam tại Italia năm 2013; Tuần Việt Nam tại Hà Lan và Những ngày Việt Nam tại Qatar và UAE năm 2014; Những ngày Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 2015. Thành công của các sự kiện đã khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc triển khai những hoạt động tổng hợp văn hóa, chính trị, kinh tế có trọng tâm, trọng điểm và trên tinh thần tiết kiệm nhằm góp phần thúc đẩy một cách thực chất và hiệu quả quan hệ toàn diện trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước.
Thông qua các hoạt động NGVH thực hiện ở trong nước kết hợp với các hoạt động ở bên ngoài, trong đó có việc vận động thành công UNESCO công nhận một loạt các danh hiệu quốc tế, công tác NGVH đã hỗ trợ các địa phương trên khắp cả nước tham gia tích cực vào các hoạt động đối ngoại chung, đồng thời qua đó tiếp thu tốt hơn các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương một cách bền vững.
Trong 5 năm qua, việc tổ chức thành công nhiều hoạt động NGVH với các hình thức đa dạng như phối hợp tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn định kỳ và thường niên như Lễ hội Trà quốc tế Thái Nguyên, Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương Phú Thọ, Festival Huế, Festival Dừa Bến Tre, Lễ hội Hoa Đà Lạt, Lễ hội Hoa tam giác mạch Hà Giang, các lễ hội ẩm thực, các cuộc đua xe đạp vì hòa bình... và các chương trình đi thăm và làm việc tại nhiều địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Nam Định, Cần Thơ, Điện Biên, Lâm Đồng... đã thực sự có sức hút, được sự tham gia tích cực của Ngoại giao đoàn và bạn bè quốc tế. Các hoạt động NGVH đó đã và đang đóng góp trực tiếp vào công tác giới thiệu, quảng bá, thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra các nước và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các địa phương và cả nước.
Từ năm 2011-2015, NGVH đã góp phần đem lại sự công nhận danh hiệu quốc tế cho 10 di sản mới của Việt Nam bao gồm: 3 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 5 Di sản Văn hóa phi vật thể, 2 Di sản tư liệu và 1 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Các danh hiệu trên góp phần khẳng định sự đa dạng về văn hóa, truyền thống lâu đời của Việt Nam, đồng thời gắn kết tình cảm nhân dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội một cách bền vững của các địa phương trên cả nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, NGVH đã có đóng góp hết sức tích cực giúp đất nước tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và tri thức của các nước trên thế giới, làm giàu cho văn hóa Việt.
Điều này được thể hiện qua sự đón nhận hết sức nhiệt tình của công chúng Việt Nam đối với các đoàn văn hóa, nghệ thuật của các nước vào Việt Nam như sự kiện Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản (thường niên), Những ngày châu Âu tại Việt Nam (2011), Liên hoan âm nhạc châu Âu tại Việt Nam (2012), Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam (2013), Năm Pháp tại Việt Nam (2013), Ngày quốc tế Yoga Ấn Độ (2015), đoàn Ballet danh tiếng Talarium Et Lux của Nga đến VN trình diễn vở “Hồ Thiên Nga” (2015), đoàn nghệ thuật tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào biểu diễn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (2015) nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước…
Thêm vào đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam với Ban Thư ký thuộc Bộ Ngoại giao làm nòng cốt đã không ngừng đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác với tổ chức UNESCO, tổ chức được coi là “Tổ chức trí tuệ của thế giới”. Thông qua các mối quan hệ này chúng ta đã tận dụng được vai trò “Phòng thí nghiệm các ý tưởng” của UNESCO, tiếp thu các ý tưởng tiên tiến, các kiến thức và kinh nghiệm quí báu cũng như các sáng kiến trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thông tin, phục vụ đắc lực cho việc định hướng, xây dựng các chính sách lớn của quốc gia, các văn bản luật pháp. Chúng ta cũng đã chú trọng trao đổi, học tập kinh nghiệm của thế giới về lĩnh vực văn hóa, tổ chức một số Hội nghị, hội thảo cấp quốc gia, khu vực và quốc tế về lĩnh vực văn hóa và hợp tác văn hóa.
Có thể nói, trong năm năm qua chúng ta đã từng bước thể chế hóa, đưa các hoạt động NGVH thực sự trở thành một trụ cột của nền ngoại giao toàn diện hiện đại Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta chờ đón nhiều chương trình, nội dung và hoạt động NGVH sôi nổi và hiệu quả hơn nữa trong việc triển khai các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và tin tưởng sâu sắc rằng NGVH sẽ tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc gìn giữ hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước một cách bền vững trong thời gian sắp tới./.
Đại sứ Phạm Sanh ChâuTổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét